Quản lý lúa cỏ tổng hợp
a- Ngăn chặn:
Trước tiên cần ngăn chặn hạn chế sự xâm nhập của hạt lúa cỏ và cỏ dại các cánh đồng không bị nhiễm lúa cỏ. Một số điểm cần lưu ý dưới đây để ngăn ngừa lúa cỏ xâm nhập vào đồng ruộng trước đó không bị nhiễm lúa có:
+ Sử dụng giống lúa xác nhận có nguồn gốc hoặc hạt giống được chứng nhận (cấp phép kinh doanh) không lẫn hạt lúa cỏ.
+ Làm sạch các loại máy mọc (máy làm đất, máy thu hoạch …) trước khi đưa máy vào đồng ruộng để hoạt động.
+ Hạt lúa cỏ cũng có thể theo đường nước xâm nhiễm từ ruộng có lúa cỏ vào ruộng sạch lúa cỏ. Do đó, việc dọn sạch kênh mương hạn chế sự lây lan và trôi dạt của hạt lúa cỏ.
b- Làm cỏ thủ công:
Làm cỏ bằng tay là biện pháp có hiệu quả để giảm sự xâm nhập và lây lan của lúa cỏ, tuy nhiên tốn nhiều công lao động và chi phí cao. Khi làm cỏ bằng tay, cần nhỏ tận gốc cây lúa cỏ và tiêu hủy bằng cách vùi trực tiếp xuống bùn hoặc mang ra khỏi ruộng lúa để tránh chúng có khả năng mọc lại.
c- Làm đất:
Làm đất kỹ và bằng phẳng là một cách tiếp cận dài hạn và quan trọng để quản lý các cánh đồng bị nhiễm lúa cỏ để đảm bảo giảm thiểu số lượng hạt lúa cỏ và cỏ dại tồn lưu trong đất.
Cày xới đất thường xuyên có thể là một yếu tố quan trọng trong việc làm giảm hạt lúa cỏ trong đất. Việc xới đất trong khoảng thời gian 7-10 ngày có thể thúc đẩy sự nảy mầm của hạt lúa cỏ và tiêu diệt cây con và do đó làm giảm hạt lúa cỏ trong đất. Cắt rơm rạ sau đó đốt rơm rạ trên ruộng khô có thể giúp tiêu diệt các hạt lúa cỏ trên bề mặt đất.
d- Một số biện pháp khác trong phòng trừ lúa cỏ
– Nhử hạt lúa cỏ và hạt cỏ dại nảy mầm: Trong quá trình làm đất (cày/xới) và tạo độ ẩm thích hợp sẽ làm hạt lúa cỏ nảy mầm, sau đó có thể xới/trục lại lại hoặc dùng thuốc cỏ không chọn lọc để diệt cây con lúa cỏ và cỏ dại. Biện pháp này có thể lặp lại trên đồng ruộng nhiễm lúa cỏ nặng.
– Cấy lúa bằng tay hoặc bằng máy cấy: Biện pháp cấy giúp cho việc kiểm soát cỏ dại và lúa cỏ dễ dàng hơn so với lúa sạ trực tiếp, bởi sau khi cấy có thể đưa nước vào ruộng ngay đế ngăn chặn hạt lúa cỏ và hạt cỏ dại mọc mầm và phát triển.
– Sạ lúa trong nước hay còn gọi là sạ ngầm: Đây có thể là một giải pháp hữu hiệu để kiểm soát lúa cỏ và cỏ dại ở những vùng có nguồn nước dồi dào, đồng ruộng được chuẩn bị tốt, dọn dẹp sạch và bằng phẳng. Sau khi đánh bùn, nước được giữ trên ruộng ít nhất khoảng 5cm. Đợi cho bùn lắng xuống (có thể bón lót phân lân hoặc vôi đối với đất phèn chua để bùn lắng nhanh và nước trong hơn), có thể gieo hạt lúa trồng đã ngâm ủ mọc mầm. Trong điều kiện ngập nước này, hạt lúa cỏ không có khả năng mọc mầm và phát triển.
– Luân canh với cây trồng khác: Ở một số vùng có đồng ruộng kiểm soát nước tốt có khả năng luân canh với một cây trồng khác như bắp/ngô hoặc cây đậu nành thì giải pháp này giúp cho việc kiểm soát cỏ dại và lúa cỏ trong ruộng lúa có hiệu quả do thay đổi điều kiện đất nước và hóa chất diệt cỏ trên cây trồng cạn.
– Biện pháp hóa học: Sử dụng sử dụng Pretilachlor với Fenclorim (Sofit 300EC) hoặc Butachlor (Michelle 62EC) trong quá trình làm đất, trục và san phẳng lần cuối đã được chứng minh là có thể kiểm soát hiệu quả lúa cỏ và các loại cỏ dại khác trên ruộng lúa sạ ướt. Trong trường hợp cánh đồng bị nhiễm lúa cỏ nặng nề có thể xử lý Sofit hoặc Michelle 2 lần, lần 1 ngay sau khi trục và san phẳng mặt ruộng, lần 2 lúc 4-5 ngày sau khi sạ. Đưa nước vào ngập mặt ruộng 5-10cm sau khi xử lý thuốc trừ cỏ 2-3 ngày để hạn chế những hạt lúa cỏ và hạt cỏ còn sống sót mọc mầm. Lưu ý tránh để đất mặt bị nứt nẻ dẫn đến hạt cỏ và lúa cỏ nằm sâu dưới đất có thể mọc mầm.
– Sạ lúa ở mật độ cao từ 150 kg – 200 kg/ ha kết hợp sử dụng thuốc cỏ tiền mọc mầm có thể giúp hạn chế tối đa sự nảy mầm phát triển của lúa cỏ ở những cánh động bị nhiễm lúa cỏ nặng. Tuy nhiên sạ mật độ cao không được khuyến cao do chi phí cao, khả năng dẫn đến sâu bệnh bộc phát lớn.
– Trong trường hợp máy gặt đập liên hợp sau khi thu hoạch ở khu vực bị nhiễm lúa cỏ và cỏ dại cần phải được vệ sinh kỹ lưỡng; vì nếu không lúa cỏ sẽ lây lan và xâm nhập các cánh đồng không bị nhiễm lúa cỏ.